Hình ảnh các địa danh thăm quan, du lịch nổi tiếng ở Hà Nam

1. CHÙA BÀ ĐANH

CHÙA BÀ ĐANH
CHÙA BÀ ĐANH CHÙA BÀ ĐANH CHÙA BÀ ĐANH CHÙA BÀ ĐANH

Chùa Bà Đanh được biết đến rộng rãi không phài vì ngôi chùa này đông người tìm về hành hương hay đông khách thăm quan du lịch mà di tích này được biết đến bởi câu ví von “Vắng như chùa Bà Đanh”.

Xem thêm

“Vắng như chùa Bà Đanh” dường như đã trở thành “thương hiệu” và là câu quen thuộc của người dân miền Bắc khi diễn tả một sự vắng vẻ, hiu quạnh. Vì sự quen thuộc và nổi tiếng đó mà chùa Bà Đanh được người ta biết đến nhiều, mặc dù những người đó chưa chắc đã thực sự đến đây.
Từ Hà Nội, đi thẳng quốc lộ 1 đến thành phố Phủ Lý rồi rẽ phải qua cầu Hồng Phú vào quốc lộ 21, đi khoảng 10 km, đến cầu treo Cấm Sơn sẽ nhìn thấy ngôi chùa cổ kính thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây, nhìn ra con sông Đáy hiền hòa.
Chùa Bà Đanh còn có tên chữ là Bảo Sơn tự, là danh thắng của đất Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cũng như bao ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là thờ Phật, chùa Bà Đanh còn tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong là Thần mây, Thần mưa, Thần sấm, Thần sét) một tín ngưỡng thờ thiên nhiên rất gần gũi với đời sống nông nghiệp ở nước ta.
Còn về tên gọi chùa Bà Đanh thì theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay. Câu so sánh “Vắng như chùa Bà Đanh” có từ bao giờ và vì sao lại có sự so sánh đó đến nay vẫn còn là thắc mắc của nhiều người. Có nhiều cách lý giải về câu nói này nhưng ý kiến được cho là chuẩn xác nhất là do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.
Ngày nay, đường đi đã thuận lợi hơn nhiều do đó khách tìm về thăm quan, hành hương cũng không còn vắng vẻ như xưa.
Đi qua chiếc cầu treo Cấm Sơn khá bề thế bắc qua sông Đáy, vòng lên một đoạn đường đê vắng vẻ, sẽ bắt gặp tấm biển bằng đá ghi “Di tích lịch sử văn hoá chùa Bà Đanh và núi Ngọc”. Lối dẫn vào chùa hiện đã trải nhựa phẳng lì, hai bên đường đi là hàng nhãn, vải xanh rợp bóng. Cổng tam quan của chùa được xây dựng khá uy nghi, hoành tráng. Cổng có ba gian, hai tầng, ở trên là gác chuông, ở dưới là hệ thống cửa gỗ hoa văn đơn giản. Tuy nhiên cổng này chỉ mở khi chùa có đại lễ, những ngày thường du khách phải đi qua hai cổng nhỏ hai bên với mái ngói cong như hình bán nguyệt. Bước qua cánh cửa cổng khép hờ là khuôn viên rộng rãi, lát gạch tinh tươm rất sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa có đặt nhiều chậu cây cảnh, giỏ phong lan tạo và đặc biệt là những hàng cau khẳng khiu vươn cao.
Cũng giống kiến trúc của nhiều ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc liên hoàn gồm nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ…, ngôi chùa thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa này có những nét riêng độc đáo. Trong chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu, các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ, Pháp Vũ.
Nếu đến thăm quan, vãn cảnh chùa, du khách nên dành thời gian chiêm ngưỡng pho tượng Bà Đanh, được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.
Năm 1994, Chùa Bà Đanh đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhiều năm nay, người ta đã không còn thấy cảnh vắng vẻ, hiu quạnh ở ngôi chùa này, câu “vắng như chùa bà Đanh” trước đây giờ đã được cải biên thành: “Ngày xưa vắng ngắt vắng ngơ. Bây giờ tấp nập như chùa Bà Đanh”…

Nguồn tham khảo: https://vietnamtourism.gov.vn

Ẩn bớt tin

2. ĐỀN TRÚC - NGŨ ĐỘNG THI SƠN

ĐỀN TRÚC - NGŨ ĐỘNG THI SƠN
ĐỀN TRÚC - NGŨ ĐỘNG THI SƠN ĐỀN TRÚC - NGŨ ĐỘNG THI SƠN ĐỀN TRÚC - NGŨ ĐỘNG THI SƠN

Có một địa danh phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp, hang động độc đáo và không kém phần linh thiêng. Đó chính là Khu Danh thắng - Di tích lịch sử văn hóa Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đền không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp mà còn có lễ hội hát Dặm giàu ý nghĩa, tôn vinh Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Xem thêm

Các cụ già trông coi đền Trúc kể lại: xưa kia nơi đây bạt ngàn trúc mọc: Trúc xanh như tóc, trĩu xuống khắp miền. Năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt khi chinh phạt phương Nam đi qua thôn Quyển Sơn, bỗng một trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cả cột buồm rồi cuốn lá cờ lớn của đoàn quân lên đỉnh núi. Lý Thường Kiệt bèn cho thuyền dừng lại, cùng quân sĩ lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu đại thắng. Lần đó, thắng lớn trở về, Lý Thường Kiệt đã cùng đoàn quân lên đây làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng chiến thắng. Sự kiện lá cờ bị gió cuốn đã khiến Lý Thường Kiệt đặt tên cho ngọn núi là Cuốn Sơn. Về sau, để tưởng nhớ công lao của vị tướng tài, dân làng Cuốn Sơn đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ở chính nơi ông đã mở hội đền thờ đó chính là đền Trúc bây giờ. Lễ hội Đền Trúc được mở vào dịp đầu xuân hàng năm từ mùng 10 tháng Giêng đến mùng 6 tháng Hai Âm lịch. Nét nổi bật nhất của lễ hội là trò hát Dặm gồm 30 tiết mục với hơn 1.000 câu thơ tương truyền do Lý Thường Kiệt sáng tác... Đến bây giờ những câu hát Dặm đã được các nghệ nhân nơi đây mang đi giới thiệu tới 16 quốc gia trên thế giới. Ngoài hát Dặm, hội đền Trúc còn có hát Bỏ bộ, hát Đúm. Tối tối, trai gái đến tuổi trưởng thành đến đền lễ tạ rồi tản ra xung quanh hát đối đáp tỏ tình.
Đền Trúc nhìn hướng ra con sông Đáy hiền hòa. Ngôi đền được dựng giữa khu rừng trúc rộng hàng chục mẫu, nên mang tên đền Trúc. Sau ngót ngàn năm, rừng trúc giờ không còn nguyên như xưa nữa, nhưng xung quanh Đền, vẫn muôn ngàn bóng trúc. Với sự biến đổi của thời gian ngôi đền chỉ còn giữ được một số nét căn bản. Ngôi đền được dựng bằng gỗ lim, cao trên 6m. Nhà tiền đường là một công trình 5 gian. Hệ thống vì kèo biến thể kiểu giá chiêng đồng rường con nhị xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 và phổ biến vào cuối thế kỷ 19. Ba gian hậu cung được xây dựng cùng một phong cách với nhà tiền đường, có 2 đầu bịt đốc, lợp ngói nam, xây bằng gạch thất, bắt mạch để trần. Trên hệ thống cửa có chạm trổ theo các đề tài tứ quí.
Cổng đền gây ấn tượng với những họa tiết, chữ và đôi voi đắp nổi hướng mặt về phía nhau. Giữa sân đền có hai trụ lớn uy nghiêm nằm giữa cùng hai trụ nhỏ ở bên có lẽ đây là cổng đền xưa kia.
Từ sân đền Trúc, đi bộ một quãng ngắn là tới cửa hang để vào thăm Ngũ động. Đây giống như một tòa lâu đài lớn với nhiều căn phòng được nối liền bởi các hành lang nhỏ mà mỗi căn phòng lại mang đến những cảm xúc đặc biệt khác nhau. Ngũ Động gồm 5 động liên hoàn kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào trong lòng núi Cấm. Lối vào động lên cao, nhìn ra mặt sông Đáy. Lối ra nằm bên kia vách núi, do vậy không khí trong động rất thoáng mát. Động đầu tiên không rộng lắm, trông tựa giống như hàm ếch. Cảnh trí ở đây rất đặc biệt: Lúc bình minh ánh sáng rực rỡ rọi vào phản chiếu những sắc màu lung linh trên vách động; buổi trưa nắng lọt qua những khe lá trước động tạo thành màu xanh nhạt và buổi chiều là màu tím huyền ảo bởi ánh hoàng hôn. Từ động này, một ngách nhỏ sẽ dẫn du khách đến các động tiếp theo.
Trong các động vô số thạch nhũ rất khác nhau về hình dạng, kích thước: Có cái mọc nhô lên từ mặt đất, có cái lại mọc từ vách động, trần động rủ xuống. Màu sắc nhũ, độ bóng, độ xốp của các nhũ rất đa dạng. Những hòn đá cổ, những nhũ đá mới ẩn sâu trong bóng tối khi có ánh sáng rọi vào do hơi nước phản chiếu ngời lên long lanh như châu ngọc... Với trí tưởng tượng phong phú, nhân dân địa phương đã đặt tên cho các tác phẩm thiên tạo: con rùa, con voi, con khỉ, con trai, bầu sữa mẹ, tòa sen, thiên nga, đức mẹ, Phật bà... và đặc biệt là hình lá cờ đại của Lý Thường Kiệt trên nóc động. Động 4 là động lớn nhất có thể chứa tới hàng ngàn người. Từ động 3 vào động 4, ta bắt gặp ở bên vách động một bức phù điêu nổi bằng nhũ đá diễn tả sinh động hình ảnh con người, thiên nhiên và nhiều con vật gần gũi trong đời sống hàng ngày. Một lối nhỏ cạnh đó dẫn ra giếng nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Động 5 có ba cửa vào ra dàn thành hàng ngang, tách biệt với nhau bởi những cột nhũ đá to. Ba cửa này được trang trí bằng những chiếc rèm thạch nhũ từ trên trần động rủ xuống trông xa như miệng rồng.
Về thăm đền Trúc, du khách đừng quên ghé vào Cuốn Sơn (nay gọi là núi Cấm) kề bên. Có lẽ vì gắn bó với điềm linh ứng năm xưa nên ngọn núi có ý nghĩa tâm linh với dân trong vùng. Cũng vì thế mà núi Cấm vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ với hệ sinh thái phong phú. Trên đỉnh núi Cấm có một bàn cờ tiên tạo bằng đá. Tương truyền rằng, vào những đêm trăng sáng, thần tiên thường về đây mở hội, uống rượu, chơi cờ và ngắm cảnh trần thế. Gần bàn cờ tiên là một vũng vuông lõm sâu thường được gọi là huyệt Đế vương. Thời kháng chiến chống Pháp, Ngũ Động Sơn được dùng làm nơi để bộ đội đóng quân và cất giữ vũ khí, quân dụng.
Di tích đền Trúc có 32 sắc phong của các triều đại phong kiến. Ngày 20-1-1994, đền Trúc và Ngũ Động Sơn đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa. Ngày nay, đến thăm đền Trúc, ghé Ngũ Động Sơn, du khách sẽ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh để sang năm, lại muốn lạc bước tìm về. Được biết, ngành Du lịch Hà Nam đã và đang tích cực đầu tư, tôn tạo các khu, điểm du lịch để thu hút khách và đền Trúc cùng Khu Danh thắng Ngũ Động Sơn là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nam.

Nguồn tham khảo: http://thegioidisan.vn

Ẩn bớt tin

3. KẼM TRỐNG

KẼM TRỐNG
KẼM TRỐNG KẼM TRỐNG KẼM TRỐNG

Kẽm Trống là một trong những thắng cảnh đẹp nhất Hà Nam. Kẽm Trống là danh thắng quốc gia được công nhận năm 1962, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km, nằm ở địa phận giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình.

Xem thêm

Tuy diện tích không rộng lớn đến choáng ngợp như nhiều quần thể danh thắng khác, nhưng Kẽm Trống lại là một bức tranh thủy mặc, một nét chấm phá riêng biệt mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi này.
Tên gọi “Kẽm Trống” nghe dường như mơ hồ, nhưng có thể hiểu đơn giản là một khoảng trống nằm chen giữa hai dãy núi đá vôi do dòng sông Đáy ở giữa tạo nên. Chính khung cảnh trời cao vợi, núi rộng dài và dòng sông trong xanh đã gợi cảm hứng để “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương làm thơ vịnh cảnh Kẽm Trống vừa lãng mạn, vừa hiện thực.
“Hai bên là núi, giữa là sông
Có phải đây là Kẽm Trống không
Gió dập cành cây khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong
Ở trong hang núi cong hơi hẹp
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng
Qua cửa mình ơi nên ngoái lại
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.”
Không chỉ có núi, sông, đồng ruộng, cỏ cây…Kẽm Trống còn nổi tiếng với hệ thống hang động kì ảo, đáng chú ý là Ngũ Động Sơn, một dãy động trải dài hơn 100m nằm trong lòng núi Cuốn Sơn, ghi dấu với những khối thạch nhũ tuyệt đẹp.
Trong hành trình khám phá Kẽm Trống, còn gì thú vị hơn khi được ngồi thuyền lướt nhẹ trên dòng sông Đáy, ngắm nhìn những ngọn núi bồng bềnh trong sương và nghe văng vẳng bên tai tiếng ngư dân buông lưới, sóng vỗ mạn thuyền.

Nguồn tham khảo: https://truyenhinhdulich.vn

Ẩn bớt tin

4. ĐỀN TRẦN THƯƠNG

ĐỀN TRẦN THƯƠNG
ĐỀN TRẦN THƯƠNG ĐỀN TRẦN THƯƠNG ĐỀN TRẦN THƯƠNG ĐỀN TRẦN THƯƠNG

Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, quân sự, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, tâm linh, du lịch.

Xem thêm

Đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai vào thế kỷ XIII.
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc kiệt xuất, văn võ toàn tài, được vua Trần phong Quốc công Tiết chế, thống lĩnh ba quân, đánh tan giặc Nguyên-Mông, bảo vệ giang sơn Đại Việt.
Tương truyền rằng, trên đường đánh quân Nguyên-Mông, bằng nhãn quan của nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, Trần Quốc Tuấn chọn đất Trần Thương lập sáu kho lương (khu vực đền Trần Thương là kho lương chính) để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai (năm 1285). Địa thế nơi đây rất thuận tiện cho việc vận chuyển, tích trữ lương thảo của triều đình. Khi chiến thắng trở về,Trần Quốc Tuấn đã mở kho lương tổ chức khao quân và nhân dân mừng chiến thắng.
Sau khi Hưng Đạo Đại Vương qua đời, để tưởng nhớ công ơn của ngài, vào thời hậu Lê năm 1783, nhân dân làng Miễu đã lập đền trên đất kho lương ấy để thờ phụng. Đền Trần Thương trở thành tôn miếu linh thiêng của đất nước. Nhân dân tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương là Đức Thánh, là "Cửu Thiên Vũ Đế" từ trên trời hiển ứng xuống giúp dân, giúp nước, diệt trừ ma quỷ, giặc giã.
Cùng với các giá trị về lịch sử, quân sự, Đền Trần Thương còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mang đậm nét phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Đền có kiến trúc độc đáo theo tư duy phong thủy. Không gian tổng quan của đền Trần Thương có sự kết hợp hài hòa giữa phong thủy hữu tình, trời mây, sông nước.
Đền được xây dựng theo hình chữ Quốc vuông vắn, trên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng” và xây theo kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, năm tòa, 15 gian, chia thành ba cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, năm giếng… tạo nên những điểm độc đáo riêng có của ngôi đền.
Đền có cửa chính cao hai tầng, tầng dưới uốn thành hình vòm trang trí hoa văn chung quanh. Tầng trên là gác chuông tám mái, treo một quả chuông lớn dùng để truyền tín hiệu cho vùng xung quanh.
Con đường chạy vòng quanh là hai tay ngai, bên Đông, bên Tây còn có hai giếng nước được gọi là hai “tai”. Nền trước cung Đệ tam có một giếng tròn mà dân gian gọi là “hố”, “khẩu”. Tất cả cấu trúc của đường, giếng tạo nên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng”, “ngũ mã thất tinh”.
Theo thứ tự từ ngoài đền vào trong, cung đầu tiên là cung Đệ tam, là nơi thờ Ban Công đồng và quan Ngũ Hổ, đồng thời cũng là nhà khách. Cung Đệ tam được xây dựng theo lối chồng rường, hai đầu xây bít đốc dật cấp, mái lợp ngói nam, mặt trước là dãy cửa bức bàn. Phía trên gian giữa có treo bức đại tự “Văn đức võ công”.
Tiếp đến là cung Đệ nhị, ban giữa thờ bá quan văn võ Trần Triều và gia tộc của Đức Thánh Trần, hai bên tả và hữu thờ quan Bắc Đẩu và quan Nam Tào. Cung Đệ nhị gồm năm gian, được xây cao hơn cung Đệ tam, lợp ngói ống cung đình đời Nguyễn, bờ nóc hai đầu hồi đắp hai con rồng lớn, phần giữa mái trên và mái dưới là các ô có đắp chữ Hán.
Cung cuối cùng là cung Đệ nhất (hay còn gọi là Cung cấm). Ban giữa cung Đệ nhất thờ Đức Thánh Trần, hai bên trái và phải thờ bái vọng Đức Vương Phụ và Đức Vương Mẫu của Ngài. Cung này được lợp ngói ống, bộ cửa bức bàn gồm ba cửa được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời… tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian.
Cùng với vẻ đẹp về công trình kiến trúc độc đáo, linh thiêng, đền Trần Thương còn lưu giữ một số hiện vật, đồ thờ có giá trị nghệ thuật cao như: hoành phi, câu đối, đại tự, ngai thờ, khám thờ, lục bình, bát hương, nghê đá, rùa đá…và chiếc kiếm bạc có vỏ làm bằng đồi mồi rất quý, chỉ được đưa ra thờ vào những ngày lễ hội.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Cùng với giá trị lịch sử - văn hoá, đền Trần Thương còn mang đậm giá trị văn hoá tâm linh thông qua lễ hội. Lễ hội đền Trần Thương hằng năm được nhân dân mở từ ngày 20-8 Âm lịch đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân Hà Nam nói riêng và du khách thập phương nói chung.
Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian, tục thi đặc sắc, độc đáo nhất là lễ rước nước và thi bơi chải trên sông. Các nghi thức trên vừa mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, “Phong đăng, hòa cốc”, “Quốc thái dân an”, nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời gợi nhớ nguồn gốc của dòng tộc nhà Trần vốn quen nghề sông nước.
Tại lễ hội, nhân dân còn tổ chức “Diễn sướng Thanh đồng”, một lễ nghi đặc sắc có từ lâu đời của đền Trần Thương với sự tham gia đông đảo của các “cơ cánh” đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Lễ hội đền Trần Thương là một trong ba lễ hội vùng của tỉnh Hà Nam. Lễ hội này có ý nghĩa là một cuộc hành hương về cội nguồn không chỉ đối với người dân địa phương mà đối với người dân cả nước.
Với tâm nguyện bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh tốt đẹp, giáo dục các tầng lớp nhân dân yêu nước, từ năm 2010, Lễ hội phát lương đền Trần Thương được tổ chức vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng. Đây là một trong những lễ hội lớn và độc đáo của tỉnh Hà Nam.
Lễ hội được tổ chức ngay tại ngôi đền chính là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ thứ XIII.
Nghi trình lễ phát lương được thực hiện bài bản theo ba phần: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ do bảy cô gái thanh tân mặc áo dài màu đỏ, đội khăn đỏ, đội bảy mâm đựng những túi lương nhỏ, chín chàng trai tân mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá cũng màu đỏ, thắt lưng khăn vàng, ống chân quấn xà cạp viền xanh, chân đi giày vải màu vàng có trách nhiệm khiêng kiệu, trên kiệu đặt ba túi lương lớn (bên trong chứa hàng nghìn túi lương nhỏ).
Đi đầu đoàn rước là đội sư tử dàn trống, chiêng, cờ ngũ sắc, bảy mâm lương thảo, đội tế nam, đội tế nữ của xã, đoàn đại biểu, nhân dân và du khách thập phương.
Phần thứ hai là lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu. Phần thứ ba là bảy cô gái, chín chàng trai rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.
Người dân địa phương cho biết, hai chữ in trên túi lương là chữ Hán mang nghĩa “Trần Thương”. Túi được làm bằng vải điều, màu đỏ tượng trưng cho Hỏa. Màu vàng của chữ tượng trưng cho Thổ. Bên trong túi gồm các loại ngũ cốc là sản vật của vùng quê Nhân Đạo, đó là nếp cái hoa vàng, đậu tương, ngô đỏ.
Ý nghĩa về giá trị tinh thần của lễ phát lương được thể hiện qua từng túi lương, theo quan niệm của người dân là cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, đón linh khí trời đất, cầu cho một năm sung túc, nhà nhà no đủ, hạnh phúc.
Đặc biệt, Lễ phát lương Đức Thánh Trần được tổ chức vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng hằng năm, tái hiện lại cảnh " Khao quân" của quân đội nhà Trần với những nghi thức truyền thống, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Túi lương là lộc ban - cũng là lời nguyện của Đức Thánh Trần phù hộ cho một năm Quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.
Lễ hội đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần đã trở thành nét văn hóa đẹp, thể hiện niềm tin yêu tôn kính bậc Thánh nhân cứu quốc; đồng thời thể hiện khát vọng chân chính, thiêng liêng mãi mãi được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh đặc sắc, năm 2017 Lễ hội đền Trần Thương đã được ghi danh vào mục di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.

Nguồn tham khảo: https://vietnamtourism.gov.vn

Ẩn bớt tin

5. KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC

KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC
KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC
KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC KHU DU LỊCH CHÙA TAM CHÚC

Quần thể du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam là điểm du lịch tâm linh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ và Phật tử trên cả nước. Tham khảo kinh nghiệm du lịch ở ngôi chùa lớn nhất thế giới được mệnh danh “Hạ Long trên cạn”.

Xem thêm

Quần thể du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam trải dài trên diện tích hơn 500ha, là khu du lịch tâm linh hấp dẫn tại Việt Nam, thu hút đông khách du lịch những năm gần đây. Trong bài viết, chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn kinh nghiệm du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam để bạn có được chuyến đi trọn vẹn nhất.
Chùa Tam Chúc – Hà Nam nằm ở xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách thành phố Hà Nội khoảng 70km, cách chùa Bái Đính (Ninh Bình) khoảng 30km, cách chùa Hương (Hà Nội) khoảng 4,5km, được xem như là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại, nằm trong quần thể khu du lịch Tam Chúc thơ mộng, trữ tình.
Chùa Tam Chúc thờ các vị Sư Tổ Đạt Ma, thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Khuông Việt, hòa thượng Thích Thanh Tứ, thiền sư Đỗ Pháp Thuận… là các vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam.
Thời điểm du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam lý tưởng nhất là vào mùa xuân, cụ thể là những tháng đầu năm, thời điểm của mùa lễ hội, từ 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch, khí hậu mát mẻ, thêm vào đó, du khách có thể tham gia bái Phật, cầu mong tiền tài, phúc lộc.
Còn tùy thuộc vào mục đích của chuyến đi, nếu bạn chỉ muốn khám phá chùa Tam Chúc, ngắm cảnh đẹp trữ tình, và sự linh thiêng trầm mặc của chốn cửa Phật… thì có thể đi chùa Tam Chúc Hà Nam vào bất cứ thời điểm nào.
Du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam có nhiều trải nghiệm thú vị, cảnh quan đa dạng, độc đáo. Quần thể du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam có các địa điểm tham quan hấp dẫn, tiêu biểu sau:
Du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam, bạn sẽ đặt chân đến nhà khách Thủy Đình đầu tiên, để check-in, mua vé lên thuyền đi khám phá chùa Tam Chúc, trong thời gian ở nhà khách Thủy Đình, du khách có thể tham quan nội thất, tranh ảnh về chùa. Khách du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam có thể xem bối cảnh toàn khu du lịch tâm linh Tam Chúc tại nhà khách Thủy Đình.
Để đến du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam, du khách sẽ cần đi qua cổng Tam Quan. Có 2 cổng Tam Quan Ngoại và Tam Quan Nội, được xây dựng vô cùng đồ sộ, kiên cố và có hoa văn đặc sắc. Xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Qua khỏi cổng Tam Quan đến điện Quan Âm, bạn sẽ đến khu vực 32 cột Kinh, hay còn gọi là Vườn Cột Kinh. Các cột kinh có khối lượng và kích thước đồ sộ, nặng chừng 200 tấn, làm từ đá xanh Thanh Hóa với độ cao khoảng 14m. Thiết kế chân cột hình đài sen, thân cột hình lục giác, đỉnh cột là hình nụ sen, thêm vào đó là các hình điêu khắc thủ công lời Phật dạy, tạo nên không gian hùng vĩ trước điện Quán Âm.
Quan sát bản đồ chùa Tam Chúc sẽ thấy có 3 chính điện là: Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ và Điện Quan Âm. Ở khu vực mỗi điện sẽ thờ phụng một vị Phật có ý nghĩa thiêng liêng riêng. Điểm chung 3 điện điều có 4 bức phù điêu được tạc thủ công bằng đá thu thập từ miệng núi lửa ở Indonesia.
Điện Pháp Chủ là nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, gây ấn tượng nhất là pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn lớn nhất Đông Nam Á. Không gian điện được thiết kế 2 tầng mái cong, cao 31m, trên diện tích mặt sàn rộng 3000m2.
Điện Tam Thế được xây dựng với kiến trúc ấn tượng, có chiều cao 39m, trên không gian sàn rộng tới 5000m2. Bạn sẽ bất ngờ khi được chiêm ngưỡng ba pho tượng phật lớn được làm bằng đồng đen ngay giữa chính điện Tam Thế, hiển thị cho quá khứ, hiện tại và tương lai, và 12.000 bức phù điêu làm từ đá núi lửa ở Indonesia.
Đến sân trước điện Tam Thế, bạn sẽ được ngắm cây Bồ Đề được trích ra từ cây Bồ Đề 2125 năm tuổi, và chiếc vạc đồng đen khổng lồ cao khoảng 4m, được điêu khắc các danh lam thắng cảnh tâm linh nổi tiếng của Việt Nam, cùng các trích dẫn về sư tổ trên mặt thân vạc.
Điện Quan Âm là nơi thờ Phật nghìn tay nghìn mắt, ở đây có khoảng sân vô cùng rộng, không gian thoáng đãng, tĩnh mịch, có tầm nhìn hướng ra Vườn Cột Kinh. Xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Ngôi đình tọa lạc ở giữa hồ nước rộng, thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt, lưu giữ những dấu tích cổ từ thời vua Đinh.
Ấn tượng là ở mặt hồ có 6 quả núi nhỏ nhô lên, phía dưới có nhiều loài động thực vật thiên nhiên sinh sống. Đến mùa hè, hoa sen nở tạo khung cảnh mặt hồ ở khu vực đình Tam Chúc đẹp mê mẩn.
Để đến được đàn tế trời chùa Ngọc, bạn cần đi qua khu vực Tam Điện chính, leo bộ một đoạn khá xa. Chùa Ngọc được chế tác hoàn toàn từ đá granite đỏ, các phiến đá được lắp ghép chứ không dùng đến keo hoặc xi măng.
Trên đỉnh núi Thất Tích, thuộc quần thể du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam.

Nguồn tham khảo: https://vinpearl.com

Ẩn bớt tin

6. BÁT CẢNH SƠN

BÁT CẢNH SƠN

Du ngoạn Bát Cảnh Sơn phiêu du trong cõi bồng lai. Về Hà Nam, dạo chơi nơi Bát Cảnh Sơn với biết bao điều lý thú. Quần thể di tích danh thắng này nổi tiếng không chỉ với cảnh đẹp mà còn là địa điểm du lịch tâm linh thiêng liêng với các ngôi đền, chùa trang nghiêm.

Xem thêm

Bát Cảnh Sơn là khu danh di tích ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Một phần Bát Cảnh Sơn lại nằm trên dãy Hương Tích, nay thuộc Hà Nội. Do đó nơi này có địa thế núi sông vô cùng kì lạ. Đến đây du khách sẽ tha hồ tham quan, ngắm cảnh các ngôi chùa bởi ở đây các ngôi chùa, đền tạo thành hệ thống với nhau.
Tên gọi Bát Cảnh Sơn còn có ý nghĩa là dãy núi có 8 cánh. Trước đây nơi này nổi tiếng là một thắng cảnh của vùng Sơn Nam xưa. Theo ghi chép để lại thì các vị vua, quần thần thường đến đây để thưởng ngoạn cảnh đẹp. Trước đây nơi này có 8 ngôi chùa, thế nhưng qua thời gian thay đổi và chiến tranh, một số ngôi chùa bị hủy hoại. Thế nhưng hàng năm Bát Cảnh Sơn vẫn được đông đảo du khách thập phương về chiêm bái, vãn cảnh.
Các ngôi chùa nơi đây bao gồm: Đền Tiên Ông (Đền Ông), chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, Chùa Bà, Chùa Cả, Chùa Vân Mộng… Các cảnh quan nơi đây đều rất lí thú. Những ngôi chùa thì mang kiểu kiến trúc cổ xưa.

Nguồn tham khảo: https://poliva.vn

Ẩn bớt tin

7. LÀNG LỤA NHA XÁ

LÀNG LỤA NHA XÁ
LÀNG LỤA NHA XÁ LÀNG LỤA NHA XÁ LÀNG LỤA NHA XÁ

Nằm dọc bên dòng Sông Hồng với những cánh đồng đồng xanh mướt, cái hồn lụa tơ tằm làng quê bao đời nay phát triển. Sắc màu làng lụa Nha Xá vươn ra khỏi lũy tre làng, đã và đang chinh phục được hầu hết các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Xem thêm

Làng Nha Xá thuộc xã Mộc Nam huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Từ những năm 30 của thế kỉ trước, lụa Nha Xá đã nổi tiếng khắp vùng. Song cũng như nhiều làng nghề khác, làng dệt lụa Nha Xá cũng đã phải trải qua không ít những thăng trầm, sóng gió.
Tương truyền khi xưa, vị tướng nhà Trần là Nhân Huệ Vương, Trần Khánh Dư dẫn một đạo quân đi dẹp giặc qua đây thấy một làng quê yên tĩnh, thanh bình đã thôi thúc ông quay trở lại. Đánh xong giặc Nguyên Mông lần thứ 3 ông quay lại làng Nha Xá vào Chùa tu hành và cũng chính thời kỳ này ông ông đã truyền dạy cho dân làng nghề trồng rau nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.
Có những lúc, trong làng có cả nghề ‘gánh lụa thuê’ ra sông Hồng để đưa lên thuyền chuyển về kinh thành hoặc phân phối đi các nơi. Lụa Nha Xá nổi danh từ đó.
Do người dân Nha Xá có điều kiện đi nhiều nơi và giao lưu buôn bán với các vùng, miền khác nhau nên việc tiếp cận những kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến về áp dụng cho sản xuất của làng nghề rất nhanh. Từ chỗ chỉ dệt được những tấm vải có khổ 30 cm bằng kỹ thuật thủ công thì nay người trong làng đã dệt được những mẫu vải khổ lớn có chiều dài theo ý muốn, với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng.
Vào thế kỉ 17-18 nghề dệt lạu Nha Xá nghề dệt lụa tơ tằm được phát triển mạnh. Năm 1970-1975 sản phẩm lụa tơ tằm sa tanh của làng nghề được tham gia hội chợ thành tựu kinh tế kỹ thuật Giảng Võ-Hà Nội, đat được 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc. Năm 2004 được công nhận làng nghề dệt truyền thống, chủ tịch nước Trần Đức Lương về tham quan và trồng cây da lưu niệm tại làng nghề.
Không chỉ giữ được nghề, mà nay nhiều gia đình ở Nha Xá đã giàu lên nhờ nghề, với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm trừ mọi chi phí sản xuất. Đồng thời, còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở các vùng lân cận. Ngày 21-12-2014 Cục sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hà Nam đã cấp giấy công nhận và thành lập ra Hiệp hối sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá.
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp Hội Làng Nghề Nha Xá chia sẻ: “Với bề dầy lịch sử hơn 700 năm tuổi, cho đến nay, chúng tôi đã đứng vững trên thị trường với các dòng sản phẩm lụa tơ tằm và các dòng sản phẩm liên quan đến khăn lụa, chăn lụa, khăn đũi cùng tất cả các dòng sản phẩm lụa hoa. Dịch Covid năm nay ảnh hưởng rất lớn, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng đứng vững bằng các dòng sản phẩm cao cấp. Trong lĩnh vực thời trang, chúng tôi cũng sản xuất nhiều sản phẩm lụa hoa và lụa cao cấp mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước”.
Hiện nay, Nha Xá có gần 400 máy dệt, mỗi tháng làm ra từ 30-40 nghìn m lụa. Sản phẩm được tiêu thụ khắp các thị trường cả trong và ngoài nước.
Nói về đặc trưng của lụa Nha Xá, Nghệ nhân Nguyễn Tiến Quảng cho biết thêm: “ Lụa đúng chất liệu 100% tơ tằm. Mà đặc thù của lụa tơ tằm thì sờ trên tay cảm thấy mát, mỏng, nhẹ. Bên cạnh đó, giá trị của lụa còn ở chỗ ấm về mùa Đông và mát về mùa Hè, đó là đặc thù của lụa tơ tằm Nha Xá. Màu sắc sẽ đảm bảo phai ở mức độ thấp nhất. Còn về giá thành sản xuất thì đây là nơi chỉ có giá thành của người sản xuất chứ không mang tính chất thương mại”.
Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu dệt Nha Xá bền vững, làng nghề đã chú trọng gắn phát triển làng nghề với bảo vệ môi trường. Hiện nay, Nha Xá là nơi đầu tiên dùng những chất liệu đến từ thiên nhiên như: Củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không… để nhuộm lụa tơ tằm. Vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá không chỉ bền màu mà được nhiều người ưa chuộng, tin tưởng về chất lượng và an toàn khi sử dụng.
Trong định hướng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm làng nghề, Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá cũng hướng đến chuyển dần các túi, hộp đựng sản phẩm bằng nilon sang bằng vỏ tre hoặc vỏ giấy. Các mẫu bao bì này hiện được tham khảo ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản… Tuy nhiên, tới đây Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá cũng tính đến sẽ thuê chuyên gia thiết kế mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với chất liệu và thị trường.
Để du khách cảm nhận được giá trị lao động của làng nghề, nhiều gia đình ở Nha Xá tạo dựng những phân xưởng nhỏ để khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan quy trình ươm tơ, dệt lụa. Đây cũng là cách để người dân trực tiếp quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, thiết thực nhất.
Ngày nay, làng lụa Nha Xá đã biến tấu trở nên vô cùng đa dạng với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau. Hình dạng hoa văn trên lụa đã được thể hiện dưới đôi tay điêu luyện và óc nhìn tinh tế, sáng tạo của người nghệ nhân lụa Nha Xá. Nhờ thế, những sản phẩm lụa mới phong phú, độc đáo và tính thẩm mỹ cao đến như vậy. Với những đặc tính nổi bật, lụa Nha Xá luôn được chọn làm quà tặng cho người thân và bạn bè khi du khách về đây.

Nguồn tham khảo: https://langngheviet.com.vn

Ẩn bớt tin

8. ĐỀN LẢNH GIANG

ĐỀN LẢNH GIANG

Đền Lảnh Giang - Hà Nam là ngôi đền thờ Tam vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18. Đi lễ đầu năm vào đền Lảnh Giang thăm quan đền và cúng lễ cầu mong một năm mới an lạc và may mắn.

Xem thêm

Đền Lảnh Giang còn có tên gọi khác là Lảnh Giang linh từ, nằm trên thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên. Ngôi đền này thờ 3 vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18 và Tiên Dung công chúa. Kề bên đền Lảnh Giang về phía bờ sông là ngôi đền thờ Cô Bơ Thoải Phủ (hệ thống thờ Đạo Mẫu Việt Nam).
Diện tích đền vào khoảng 3.000 m2, quanh đền không có núi đồi nhưng lại biêng biếc với màu xanh của rừng nhãn, bến nước, đầm sen, phảng phất hào khí của một miền địa linh nhân kiệt, phồn thịnh êm đềm. Cửa đền nhìn hướng ra là dòng sông Nhị Hà hay Sông Hồng. Phía Tây đền cách khoảng 300m là màu xanh của lúa, bảng lảng khói lam chiều, thấp thoáng đền thở Đức Vua (vua Lê). Giáp xã Mộc Nam về phía bắc Lảnh Giang, thôn Yên Từ, Mộc Bắc trầm mặc ngôi đền thờ Ngọc Hoa công chúa, em gái Tiên Dung. Phía nam giáp làng Nha Xá, đình thờ Trần Khánh Dư, vị tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công đánh giặc Nguyên Mông trên chiến tuyến Vân Đồn (Quảng Ninh).
Tam quan đền được xây theo kiểu chồng diêm tám mái, các đầu đao cong vút theo hình đầu rồng đắp nổi, đan xen mặt nguyệt, lá lật cách điệu mềm mại. Đằng trước Tam quan là hồ bán nguyện với nước hồ phẳng lặng như bàn ngọc thạch bày lên những đóa hoa súng đỏ tươi. Giữa hồ có hồn bảo tháp đứng trang nghiêm được nối với đền bằng chiếc cầu cong tạc theo lưỡi long hướng địa, ẩn hiện dưới bóng cây si già hàng ngàn năm tuổi.
Đền Lảnh Giang được xây dựng theo thiết kế nội công ngoại quốc bao gồm 3 tòa, 14 gian hai bên có nhà khách, lầu thờ và 4 bên có tường gạch bao quanh. Trong đền thờ tượng Tiên Dung công chúa, khánh long đình, khám đặt tượng thờ 3 vị tướng thời Hùng vương được chạm khắc công phu theo phong cách đời Lê. Đền còn vinh dự giữ được hai kiệu bát cống long đình, một sập thờ và nhiều hoành phi, câu đối, nhang án.
Đền Lảnh Giang còn có tên gọi là Lảnh Giang linh từ, tọa lạc tại thôn Từ thị trấn Đồng Văn, theo quốc lộ 60A đi 8km đến ngã ba thị trấn Hòa Mạc, rẽ trái đi 5km đến bến đò Yên Lệnh, ngược bờ đê sông Hồng 3km là tới đền.
Hiện nay, ngôi đền này vẫn chưa xác định được thời gian xây dựng. Qua năm tháng khắc nghiệt của thời gian, ngôi đền bị mai một nhưng lại được nhân dân địa phương xây dựng thờ cúng, ngôi đền có quy mô và bề thế như hiện nay.
Lễ hội đền Lảnh Giang
Mỗi năm, đền tổ chức hai lễ hội, từ ngày 2 đến 5 tháng 6 âm lịch và 20 tháng 8 âm lịch. Đầu tiên nghi thức tế lễ, rước thánh được tổ chức đầu tiên thu hút hàng ngàn khách thăm quan về xem và thành tâm. Ngoài phần lễ còn có phần hội gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: Diễn xướng dân gian hầu Thánh (hát chầu Văn) tái hiện huyền tích vị Thánh đền Lảnh Giang; múa rồng, múa lân, múa sư tử, võ vật, chọi gà, đánh gậy, đấu cờ người, tổ tôm điếm, thi thổi cơm trên quang gánh, diễn tập trận giả, hát chầu văn, thi bơi chải trên sông Hồng...
Vào ngày mùng 5 tháng 11 năm 1996 đền được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Chỉ dẫn đường đi, ăn ngủ tại đền Lảnh Giang
Nằm tại địa thế bằng phẳng, ngôi đền này có hướng đi rất đẹp, không gặp khó khăn hay vật cản gì. Du khách đến thị trấn Đồng Văn (huyện Duy Tiên), theo quốc lộ 38 khoảng 8km đến thị trấn Hòa Mạc, đi tiếp 3,5km đến cầu Yên Lệnh rồi rẽ trái theo bờ đê sông Hồng 2km, du khách sẽ tới đền Lảnh Giang. Phương tiện thuận lợi nhất là ô tô hoặc cũng có thể đi xe máy.
Còn chuyện ăn ngủ nghỉ tại đền cũng rất đơn giản. Trong đền có chai phòng cho du khách thập phương nghỉ ngơi và hạ lễ. Hoặc du khách cũng có thể men theo đường vào đền ra các hàng quán, nhà nghỉ cổng đền để thuê và nghỉ ngơi. Như vậy, đền Lảnh Giang tại Hà Nam hiện nay là khu di tích lịch sử cấp quốc gia có giá trị cả về mặt tâm linh lẫn đẹp về thắng cảnh. Hãy dành cho mình 1 ngày để thưởng ngoạn hết nét đẹp chỉ có tại đền Lảnh Giang nhé!

Nguồn tham khảo: http://hanotour.com.vn

Ẩn bớt tin

KHUNG ẢNH YÊU THÍCH